Pháp Nhiên Thượng Nhân
Thích Tịnh Nghiêm dịch Hán Việt
Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập
法然上人
選擇本願念佛集
Phần 4
Chương Mười Ba
Nhiều Thiện Căn
Niệm Phật là nhiều thiện căn, các tạp thiện khác là ít thiện căn.
A Di Đà Kinh nói: “Không thể do chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được vãng sinh Cực Lạc. Xá Lợi Phất! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, nghe đến Đức Phật A Di Đà, bèn chấp trì danh hiệu, hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày, một lòng không loạn, người đó đến lúc mạng chung, Phật A Di Đà, cùng các thánh chúng hiện đến trước mặt. Người đó lúc mất, tâm không điên đảo, liền được vãng sinh cõi nước Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà”.
Ngài Thiện Đạo giải thích đoạn văn này như sau:
Cực Lạc vô vi cõi Niết Bàn
Tùy duyên, tạp thiện khó vãng sanh
Nên Đức Như Lai lựa pháp yếu
Khuyên niệm Di Đà, chuyên thật chuyên
Bảy ngày bảy đêm không gián đoạn
Khởi hạnh lâu dài lại gắng thêm
Lâm chung, thánh chúng cầm hoa đến
Thân tâm phấn khởi, sinh sen vàng
Ngồi vào chứng đắc vô sinh nhẫn
Liền được rước đến trước Pháp Vương
Bồ tát tranh nhau đắp y pháp
Chứng ngôi bất thoái, nhập Tam Hiền.
Tùy duyên, tạp thiện khó vãng sanh
Nên Đức Như Lai lựa pháp yếu
Khuyên niệm Di Đà, chuyên thật chuyên
Bảy ngày bảy đêm không gián đoạn
Khởi hạnh lâu dài lại gắng thêm
Lâm chung, thánh chúng cầm hoa đến
Thân tâm phấn khởi, sinh sen vàng
Ngồi vào chứng đắc vô sinh nhẫn
Liền được rước đến trước Pháp Vương
Bồ tát tranh nhau đắp y pháp
Chứng ngôi bất thoái, nhập Tam Hiền.
Lời bàn: “Không thể do chút ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được vãng sinh Cực Lạc”, nghĩa là các hành giả tu hạnh tạp thiện, khó được vãng sinh, cho nên mới nói “tùy duyên, tạp thiện khó vãng sinh”. Ít thiện căn, nghĩa là đối với “nhiều thiện căn” mà nói. Như vậy, các tạp thiện là ít thiện căn, còn Niệm Phật là nhiều thiện căn, cho nên Long Thư Tịnh Độ Văn có nói: “Bản đá khắc kinh A Di Đà ở Tương Dương, do ông Dương Nhân Lăng ở đời Tùy viết, nét chữ thanh thoát, uyển chuyển, được nhiều người hâm mộ, phía dưới câu “một lòng không loạn” có câu “Chuyên trì danh hiệu, do xưng danh hiệu, tội chướng tiêu diệt, tức là nhiều thiện căn, phước đức, nhân duyên.” Hiện nay các bản kinh được lưu hành thiếu mất hai mươi mốt chữ này.
Không chỉ có nghĩa “nhiều, ít”, mà còn có nghĩa “lớn, nhỏ”, nghĩa là các tạp thiện là thiện căn nhỏ, còn Niệm Phật là thiện căn lớn. Lại còn có nghĩa “thắng, liệt”, nghĩa là các tạp thiện là thiện căn “liệt (kém cỏi)”, còn Niệm Phật là thiện căn “thắng (thù thắng)”. Phải nên biết như thế!
Chư Phật Chứng Thành
Hằng sa chư Phật ở sáu phương, không chứng thành các công hạnh khác, mà chỉ chứng thành công hạnh Niệm Phật.
Quán Niệm Pháp Môn của ngài Thiện Đạo nói: Lại như A Di Đà Kinh có nói: Ở sáu phương, mỗi phương có hằng hà sa chư Phật, đều hiện tướng lưỡi rộng dài, biến khắp tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thực như vầy: “Dù Phật còn tại thế, hoặc sau khi Phật diệt độ, tất cả phàm phu tội chướng, chỉ cần hồi tâm niệm Phật A Di Đà, nguyện sinh Tịnh Độ, hoặc trọn một đời, hoặc chỉ trong bảy ngày, một ngày, mười tiếng, ba tiếng, một tiếng, v.v.., đều được vãng sinh”. Như vậy, sáu phương chư Phật hiện tướng lưỡi rộng dài, nhất định chứng minh rằng phàm phu niệm Phật, tội diệt được vãng sinh. Nếu như không y vào điều này mà chứng minh sự vãng sinh, thì sáu phương chư Phật, sau khi hiện tướng lưỡi rộng dài, rốt ráo sẽ không thu lưỡi lại được, mà lưỡi tự nhiên sẽ bị rữa nát.
Vãng Sinh Lễ Tán của Ngài cũng dẫn kinh A Di Đà nói: Hằng hà sa chư Phật ở phương đông, các phương nam, tây, bắc, cùng phương trên dưới, mỗi phương cũng đều có hằng hà sa chư Phật, mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện tướng lưỡi rộng dài, biến khắp tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thực như sau: Tất cả chúng sinh, phải nên tin tưởng kinh Tất Cả Chư Phật Hộ Niệm này. Vì sao gọi là “Hộ Niệm”? Nếu có chúng sinh xưng niệm Phật A Di Đà, hoặc bảy ngày, một ngày, nhẫn đến mười tiếng, một tiếng, hoặc một niệm, v.v.., ắt được vãng sanh, chư Phật chứng thành sự việc này, nên gọi là “Hộ Niệm Kinh”.
Lại nói:
Sáu phương Phật, tướng lưỡi chứng minh
Chuyên xưng danh hiệu, sinh Tây Phương
Đến đó, hoa nở, nghe diệu pháp
Thập địa hạnh nguyện, tự nhiên thành.
Chuyên xưng danh hiệu, sinh Tây Phương
Đến đó, hoa nở, nghe diệu pháp
Thập địa hạnh nguyện, tự nhiên thành.
Lại nữa, Quán Kinh Sớ của Ngài cũng dẫn A Di Đà Kinh nói: Thập phương chư Phật, v.v.., e rằng chúng sinh không tin lời dạy của Phật Thích Ca, các Ngài bèn đồng tâm, đồng thời, mỗi vị hiện tướng lưỡi, biến khắp tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thực như sau: “Này các chúng sinh, phải nên tin nhận lời dạy dỗ, khen ngợi, chứng minh của Đức Phật Thích Ca: “Tất cả phàm phu, bất luận tội phước nhiều ít, thời cơ gần xa, chỉ cần, hoặc trọn một đời, hoặc chỉ một ngày, bảy ngày, một lòng chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Nhất định sẽ được vãng sinh, chắc chắn không nghi.”
Pháp Sự Tán của Ngài cũng nói:
Tâm tâm niệm Phật, chớ sinh nghi
Sáu phương Phật chứng, thực không hư
Ba nghiệp chuyên tâm, không tạp loạn
Bách bảo liên hoa sẽ hiện tiền.
Sáu phương Phật chứng, thực không hư
Ba nghiệp chuyên tâm, không tạp loạn
Bách bảo liên hoa sẽ hiện tiền.
Tịnh Độ Ngũ Hội Pháp Sự Tán của ngài Pháp Chiếu cũng nói:
Điều cấp yếu trong muôn công hạnh
Nhanh không gì hơn Tịnh Độ Môn
Không những Bổn Sư kim khẩu nói
Mười phương chư Phật cũng chứng thành.
Nhanh không gì hơn Tịnh Độ Môn
Không những Bổn Sư kim khẩu nói
Mười phương chư Phật cũng chứng thành.
Hỏi: Tại sao sáu phương chư Phật chứng thành, chỉ hạn định một công hạnh Niệm Phật?
Trả lời: Nếu theo ý của Hòa thượng Thiện Đạo, Niệm Phật là bổn nguyện của Đức A Di Đà, cho nên chứng thành, các công hạnh khác không phải, cho nên không chứng thành.
Hỏi: Nếu y vào bổn nguyện để chứng thành Niệm Phật, hai quyển Vô Lượng Thọ Kinh và Quán Kinh, lúc nói về Niệm Phật, tại sao lại không có chư Phật chứng thành?
Trả lời: Giải thích có hai nghĩa: Một, trong hai quyển Vô Lượng Thọ Kinh và Quán Kinh, tuy nói đến bổn nguyện Niệm Phật, nhưng cũng nói đến các hạnh khác, cho nên không chứng thành, còn quyển A Di Đà Kinh này, chỉ nói toàn về Niệm Phật, cho nên chứng thành. Hai, trong hai quyển kinh kia, tuy không có lời chứng thành, nhưng trong quyển kinh này đã có sự chứng thành, dùng đây mà suy ngẫm, trong hai quyển kinh kia, lúc nói về Niệm Phật, ắt cũng có ý nghĩa chứng thành. Lời văn ở kinh này, ý nghĩa chung cho hai kinh kia, bởi thế, Thập Nghi Luận của ngài Thiên Thai có nói: “Lại nữa, A Di Đà Kinh, Đại Vô Lượng Thọ Kinh, Cổ Âm Thanh Đà La Ni Kinh, v.v.., nói: Lúc Đức Thích Ca Phật nói kinh này, trong mười phương, mỗi phương có hằng hà sa chư Phật, hiện tướng lưỡi biến khắp tam thiên đại thiên thế giới, chứng thành tất cả chúng sinh niệm A Di Đà Phật, nương vào bổn nguyện đại bi nguyện lực, quyết định vãng sinh thế giới Cực Lạc.”
Chương Mười Lăm
Hộ Niệm
Sáu phương chư Phật hộ niệm hành giả Niệm Phật.
Quán Niệm Pháp Môn nói: Lại như A Di Đà Kinh nói: Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, bảy ngày bảy đêm, nhẫn đến trọn cả cuộc đời, một lòng chuyên niệm Phật A Di Đà, nguyện được vãng sinh, người đó thường được hằng hà sa chư Phật ở sáu phương, đều đến hộ niệm, cho nên gọi là “Hộ Niệm Kinh”. Ý nghĩa của “Hộ Niệm Kinh” là khiến cho các quỷ thần ác không có cơ hội xâm hại hành giả; người đó không gặp hoạnh bệnh, hoạnh tử, hoạnh nạn, tất cả tai chướng, tự nhiên tiêu diệt, trừ những người không có tâm chí thành.
Vãng Sinh Sự Tán nói: Nếu xưng danh hiệu Phật cầu vãng sinh, thì thường được hằng hà sa chư Phật ở sáu phương hộ niệm, nên gọi là “Hộ Niệm Kinh”. Hiện nay đã có lời thệ nguyện tăng thượng để nương tựa, như vậy, tại sao các vị Phật tử còn chưa chịu nỗ lực phấn ý niệm Phật cầu vãng sinh?
Hỏi: Chỉ có sáu phương Phật hộ niệm hành giả hay sao?
Trả lời: Không chỉ hạn cục sáu phương chư Phật, mà các ngài A Di Đà, Quán Âm , v.v.., cũng đến hộ niệm, cho nên Vãng Sinh Lễ Tán nói: Thập Vãng Sinh Kinh nói: Nếu có chúng sinh niệm Phật A Di Đà, cầu nguyện vãng sinh, Phật A Di Đà tức thời phái hai mươi lăm vị Bồ tát đến ủng hộ hành giả, trong tất cả mọi thời, hoặc đi, đứng, nằm, ngồi, hoặc ngày hoặc đêm, không để cho các quỷ thần ác có cơ hội xâm hại hành giả!
Lại như Quán Kinh nói: Nếu có người xưng tán, lễ bái, nhớ tưởng Phật A Di Đà, nguyện sinh Cực Lạc, Phật A Di Đà sẽ phái vô số Hóa Phật, Hóa Quán Thế Aâm Bồ tát, Hóa Đại Thế Chí Bồ tát đến hộ niệm hành giả, lại cùng hai mươi lăm vị Bồ tát trước, vây quanh hành giả trăm ngàn vòng, bất luận đi đứng nằm ngồi, tất cả thời xứ, hoặc ngày hoặc đêm, thường không xa lìa hành giả Niệm Phật. Hiện nay có những lợi ích thù thắng như thế có thể nương tựa, nguyện các hành giả, mỗi người nên chí tâm cầu vãng sinh.
Lại nữa, Quán Niệm Pháp Môn nói: Lại như phần cuối của Quán Kinh nói: Nếu có người thường chí tâm niệm Phật A Di Đà và hai vị Bồ tát, các ngài Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, hóa hiện làm bạn lành, hoặc làm thiện tri thức của người đó, thường theo ủng hộ, như bóng theo hình.
Lại nói: Lại như Phẩm Hành trong Bát Chu Tam Muội Kinh có nói: “Nếu có người thường tu pháp Niệm Phật tam muội này, sẽ thường được chư thiên, cùng Tứ thiên vương, tám bộ long thiên theo bên ủng hộ, ưa muốn gần gũi, vĩnh viễn không còn các quỷ thần ác, hoặc tai chướng ách nạn đến làm não loạn. Trong phẩm Hộ Trì sẽ nói chi tiết.”
Lại nói: Ngoài lúc nhập đạo trường tu tam muội ra, mỗi ngày nên niệm một vạn câu A Di Đà Phật, suốt đời không gián đoạn, sẽ được sự hộ niệm của Đức A Di Đà, tội chướng tiêu trừ. Lại được Phật và chư thánh chúng, thường đến hộ niệm, tức thời sẽ được tăng trưởng thọ mệnh.
Chương Mười Sáu
Ân Cần Phó Chúc
Thích Ca Như Lai đem danh hiệu Phật A Di Đà ân cần phó chúc các ngài Xá Lợi Phất, v.v..
A Di Đà Phật Kinh nói: Phật nói kinh này xong, ngài Xá Lợi Phất cùng các vị tỳ kheo, tất cả trời, người, a tu la, v.v.., nghe lời Phật dạy, vui mừng tin nhận, đảnh lễ mà lui ra.
Pháp Sự Tán của ngài Thiện Đạo giải thích đoạn kinh này như sau:
Lúc Thế Tôn nói pháp sắp xong
Ân cần phó chúc Di Đà danh
Trong thời năm trược, nhiều nghi, báng
Đạo, tục hiềm nhau, không chịu nghe
Thấy người tu hành, khởi sân độc
Tìm cách phá hoại, sinh thù hận
Bọn nhất xiển đề đui mù này
Hủy diệt đốn giáo, vĩnh trầm luân
Quá số kiếp như số vi trần
Cũng chưa ra khỏi ba đường ác
Đại chúng đồng tâm đều sám hối
Tất cả tội phá pháp nhân duyên.
Ân cần phó chúc Di Đà danh
Trong thời năm trược, nhiều nghi, báng
Đạo, tục hiềm nhau, không chịu nghe
Thấy người tu hành, khởi sân độc
Tìm cách phá hoại, sinh thù hận
Bọn nhất xiển đề đui mù này
Hủy diệt đốn giáo, vĩnh trầm luân
Quá số kiếp như số vi trần
Cũng chưa ra khỏi ba đường ác
Đại chúng đồng tâm đều sám hối
Tất cả tội phá pháp nhân duyên.
Lời bàn: Theo bổn ý của ba kinh, trong các công hạnh, tuyển chọn pháp Niệm Phật làm ý chỉ quay về.
Trước tiên, trong Vô Lượng Thọ Kinh có ba sự tuyển chọn: (1) tuyển chọn bổn nguyện, (2) tuyển chọn tán thán, (3) tuyển chọn lưu lại giáo pháp.
1/ Tuyển chọn bổn nguyện: Niệm Phật là công hạnh vãng sinh do ngài tỳ kheo Pháp Tạng tuyển chọn từ hai trăm mười ức cõi Phật, ý chỉ vi tế đã trình bày ở trên, nên gọi là tuyển chọn bổn nguyện.
2/ Tuyển chọn tán thán: Trong ba bậc thượng phẩm vãng sinh, tuy nêu ra các công hạnh khác như phát Bồ đề tâm, v.v.., thế nhưng Đức Thích Ca không tán thán các công hạnh khác, mà chỉ tán thán Niệm Phật như sau: “Nên biết một niệm niệm Phật là công đức vô thượng”, nên gọi là tuyển chọn tán thán.
3/ Tuyển chọn lưu lại giáo pháp: Lại như phần trên, tuy nêu ra các công hạnh khác, Đức Bổn Sư chỉ tuyển chọn lưu lại một pháp Niệm Phật, nên gọi là tuyển chọn lưu lại giáo pháp.
Kế đến, trong Quán Kinh cũng có ba sự tuyển chọn: (1) tuyển chọn nhiếp thủ, (2) tuyển chọn Hóa Phật tán thán, (3) tuyển chọn phó chúc.
1/ Tuyển chọn nhiếp thủ: Trong Quán Kinh, tuy thuyết minh các công hạnh định thiện, tán thiện, thế nhưng, quang minh của Đức A Di Đà chỉ chiếu soi những chúng sinh Niệm Phật, nhiếp thủ không rời, nên gọi là tuyển chọn nhiếp thủ.
2/ Tuyển chọn Hóa Phật tán thán: Người hạ phẩm thượng sinh, tuy có hai công hạnh nghe kinh và Niệm Phật, Hóa Phật của Đức A Di Đà tuyển chọn Niệm Phật rằng: “Vì ông xưng danh hiệu Phật, chư tội tiêu diệt, ta đến rước ông”, nên gọi là tuyển chọn Hóa Phật tán thán.
3/ Tuyển chọn phó chúc: Lại nữa, tuy thuyết minh các công hạnh định thiện, tán thiện, nhưng chỉ riêng phó chúc một công hạnh Niệm Phật, nên gọi là tuyển chọn phó chúc.
Kế đến, trong kinh A Di Đà có một sự tuyển chọn, đó là tuyển chọn chứng thành. Trong các kinh điển, tuy nói nhiều đến các công hạnh vãng sinh, nhưng sáu phương chư Phật không chứng thành các công hạnh này, đến kinh A Di Đà nói về Niệm Phật vãng sinh, thì hằng hà sa chư Phật ở sáu phương, mỗi vị đều hiện tướng lưỡi biến khắp tam thiên đại thiên thế giới để chứng thành, cho nên gọi là tuyển chọn chứng thành.
Hơn nữa, trong Bát Chu Tam Muội Kinh cũng có một tuyển chọn, gọi là tuyển chọn trì danh. Chính Đức Phật A Di Đà nói rằng: “Muốn vãng sinh cõi nước ta, phải thường niệm danh hiệu ta, không được gián đoạn”, cho nên gọi là tuyển chọn trì danh.
Bốn điều:(1) bổn nguyện, (2) nhiếp thủ, (3) danh hiệu và (4) Hóa Phật tán thán, là sự tuyển chọn của Đức A Di Đà.
Ba điều: (1) tán thán, (2) lưu lại giáo pháp, và (3) phó chúc, là sự tuyển chọn của Đức Thích Ca.
Còn điều chứng thành, là sự tuyển chọn của hằng hà sa chư Phật ở mười phương.
Như vậy, Đức Thích Ca, Đức A Di Đà và hằng hà sa chư Phật mười phương, một lòng tuyển chọn công hạnh Niệm Phật, các công hạnh khác thì không được như vậy, cho nên ba bộ kinh Tịnh Độ đều tuyển chọn Niệm Phật làm tông chỉ.
Muốn mau thoát sinh tử
Trong hai loại thắng pháp
Nên bỏ Thánh Đạo Môn
Mà chọn Tịnh Độ Môn
Muốn vào Tịnh Độ Môn
Trong hai hạnh chánh, tạp
Nên bỏ các tạp hạnh
Mà tuyển chọn chánh hạnh
Nếu muốn tu chánh hạnh
Trong hai nghiệp chánh, phụ
Nên gạt bỏ nghiệp phụ
Mà chuyên tu chánh định
Nhưng nghiệp của chánh định
Tức là xưng danh Phật
Xưng danh ắt vãng sinh
Vì nương bổn nguyện Phật.
Trong hai loại thắng pháp
Nên bỏ Thánh Đạo Môn
Mà chọn Tịnh Độ Môn
Muốn vào Tịnh Độ Môn
Trong hai hạnh chánh, tạp
Nên bỏ các tạp hạnh
Mà tuyển chọn chánh hạnh
Nếu muốn tu chánh hạnh
Trong hai nghiệp chánh, phụ
Nên gạt bỏ nghiệp phụ
Mà chuyên tu chánh định
Nhưng nghiệp của chánh định
Tức là xưng danh Phật
Xưng danh ắt vãng sinh
Vì nương bổn nguyện Phật.
Hỏi: Các nhà chú giải trong các tông Hoa Nghiêm, Thiên Thai, Chân Ngôn, Thiền, Pháp Tướng, mỗi vị đều có biên soạn chương sớ về pháp môn Tịnh Độ, tại sao lại không y cứ vào các nhà chú giải đó mà chỉ riêng y cứ vào ngài Thiện Đạo?
Trả lời: Các nhà chú giải đó, tuy biên soạn chương sớ về Tịnh Độ, nhưng họ không dùng Tịnh Độ làm tông, mà lại dùng Thánh Đạo làm tông, cho nên không y cứ vào họ, còn ngài Thiện Đạo chỉ lấy Tịnh Độ làm tông, không lấy Thánh Đạo làm tông, cho nên y cứ vào ngài.
Hỏi: Các vị tổ sư Tịnh Độ rất nhiều, chẳng hạn như ngài Ca Tài ở chùa Hoằng Pháp, ngài Từ Mẫn Tam Tạng, v.v.. Tại sao không y cứ vào các vị ấy, mà chỉ riêng y cứ vào ngài Thiện Đạo?
Trả lời: Các vị thiện tri thức đó, tuy cũng tông Tịnh Độ pháp môn, nhưng chưa chứng Tam muội, còn ngài Hòa Thượng Thiện Đạo là người chứng đắc tam muội. Trong đạo, ngài có chỗ chứng đắc, cho nên y cứ vào ngài.
Hỏi: Nếu y cứ vào người chứng đắc Tam muội, thì Hoài Cảm Thiền Sư cũng chứng đắc Tam muội, tại sao không y cứ vào ngài?
Trả lời: Ngài Thiện Đạo là thầy, ngài Hoài Cảm là trò, cho nên y cứ vào thầy mà không y cứ vào đệ tử. Huống chi sự giải thích của hai thầy trò có nhiều điểm trái nghịch, cho nên không y cứ vào ngài Hoài Cảm.
Hỏi: Nếu y cứ vào thầy mà không y cứ vào trò, thì ngài Đạo Xước Thiền Sư là thầy của ngài Thiện Đạo, tại sao lại không y cứ vào ngài Đạo Xước?
Trả lời: Ngài Đạo Xước tuy là thầy, nhưng vẫn chưa chứng được Tam muội, không tự biết mình có được vãng sinh hay không, cho nên đã hỏi ngài Thiện Đạo: “Đạo Xước niệm Phật, được vãng sinh hay không?” Ngài Thiện Đạo bèn thưa với ngài Đạo Xước nên đem một cành hoa sen đặt trước bàn Phật, sau đó dụng công bảy ngày, nếu hoa sen không héo, ắt được vãng sinh. Ngài Đạo Xước y lời, sau đó bảy ngày, quả nhiên hoa sen không héo, bèn rất khen ngợi, kế đó thỉnh ngài Thiện Đạo nhập định quán sát, xem mình có được vãng sinh hay không. Ngài Thiện Đạo bèn nhập định, giây lát sau nói với ngài Đạo Xước: “Thầy phải sám hối ba tội mới được vãng sinh. Thứ nhất, thầy đặt tượng Phật ở góc phòng, còn mình ở giữa phòng; thứ hai, sai bảo người xuất gia phục dịch; thứ ba, xây dựng phòng ốc làm tổn thương sinh mệnh côn trùng. Thầy phải đối trước mười phương Phật sám hối tội thứ nhất, đối trước bốn phương tăng sám hối tội thứ hai, đối với tất cả chúng sinh sám hối tội thứ ba.” Ngài Đạo Xước suy ngẫm những lỗi lầm quá khứ, thấy lời ngài Thiện Đạo quả thật không sai, bèn chí thành sám hối. Sám hối xong, đến gặp ngài Thiện Đạo, ngài Thiện Đạo bèn nói: “Tội của thầy đã diệt, sau này sẽ có ánh sáng chiếu thân, đó là điềm vãng sinh của thầy.”
Do đây biết rằng Hòa Thượng Thiện Đạo tu đắc Tam muội, đáng làm bậc thầy, giải hạnh đều phi phàm, điều này thật rõ ràng. Huống chi, người cùng thời với ngài đều tương truyền rằng: “Từ lúc Phật pháp truyền vào Trung Hoa đến nay, chưa ai có được thạnh đức như ngài Thiện Đạo!” Lời xưng tán tuyệt luân, khó mà diễn tả được. Hơn nữa, lúc ngài viết sớ giải của Quán Kinh, có nhiều điềm lành, thường được Đức A Di Đà đến chỉ dẫn, vì đã được sự gia bị của chư Phật, Bồ tát, cho nên quyển Quán Kinh Sớ của ngài được xưng dương là Chứng Định Sớ, mọi người đều quý trọng như chính lời dạy của Đức Phật.
Như trong Quán Kinh Sớ quyển thứ tư có viết:
“Kính bạch tất cả thiện tri thức hữu duyên, tôi là một phàm phu sinh tử, trí tuệ cạn cợt, lời dạy của Phật sâu xa vi tế, tôi không dám tự chuyên, bèn thành tâm phát nguyện, thỉnh cầu sự linh nghiệm, sau đó mới dám biên soạn sớ giải: “Nam mô quy mạng tận hư không pháp giới, tất cả Tam Bảo, Thích Ca Mâu Ni Phật, A Di Đà Phật, Quán Aâm, Thế Chí, chư Bồ tát đại hải chúng của cõi Cực Lạc, cùng tất cả cảnh tướng trang nghiêm. Con nay muốn đề xuất yếu nghĩa của Quán Kinh, khải định cổ kim. Nếu như xứng đáng với Đại bi nguyện ý của chư Phật ba đời, Đức Phật Thích Ca, Đức Phật A Di Đà, v.v.., xin được trong giấc mộng, thấy được tướng trạng của cảnh giới giống như lời nguyện của con.” Sau khi phát nguyện trước tượng Phật, tôi bèn tụng kinh A Di Đà ba biến, niệm danh hiệu Phật A Di Đà ba vạn biến, chí tâm phát nguyện. Ngay đêm hôm đó, thấy trên không trung ở phía tây, các cảnh giới như trong lời nguyện đều hiện trước mắt, các núi báu nhiều màu, trùng trùng điệp điệp, đủ loại quang minh, chiếu xuống mặt đất, mặt đất màu vàng ròng, trên không có chư Phật Bồ tát, hoặc ngồi hoặc đứng, hoặc nói hoặc im lặng, hoặc cử động tay chân, hoặc đứng yên bất động. Thấy những cảnh giới ấy rồi, tôi bèn chắp tay đứng quán sát, sau một lúc rất lâu mới chợt tỉnh, lúc đó trong lòng vui mừng khôn tả, và sau đó mới bắt đầu biên soạn phần Nghĩa Môn của Quán Kinh Sớ. Từ đó về sau, mỗi đêm trong mộng, thường thấy một vị tăng đến chỉ dạy về khoa văn của phần Huyền Nghĩa, sau khi phần này hoàn tất, thì không còn thấy nữa.
Sau khi bản cảo của Quán Kinh Sớ hoàn thành, tôi lại chí tâm cầu trong bảy ngày bảy đêm thấy được điềm lành chứng minh. Mỗi ngày tôi tụng kinh A Di Đà mười biến, niệm danh hiệu Phật A Di Đà ba vạn biến. Vào cuối đêm thứ nhất, trong lúc quán tưởng cảnh tướng trang nghiêm của cõi Cực Lạc, thành tâm quy mệnh, thấy ba cối xay đá, bên vệ đường tự chuyển động, hốt nhiên, lại thấy một người cỡi lạc đà trắng đến trước mặt khuyến tấn: “Thầy phải nên nỗ lực, quyết định sẽ vãng sinh, chớ nên thoái chuyển, cõi này trược ác nhiều khổ, đừng nên tham luyến, v.v..” Tôi trả lời rằng: “Nay nhờ hiền giả có lòng tốt chỉ bảo, tôi nguyện trọn đời không dám sinh tâm giải đãi, kiêu mạn, v.v..” Đêm thứ hai, thấy Đức A Di Đà, thân màu vàng ròng, ngồi trên tòa sen vàng dưới cây thất bảo, mười vị tăng vây quanh, mỗi vị ngồi dưới một cây báu. Trên cành cây chỗ Phật ngồi, có treo nhiều thiên y, tôi ngồi xoay mặt hướng tây, chắp tay quán sát. Đêm thứ ba, thấy có hai cây bảo tràng, cao to chất ngất, trên có treo tràng phan ngũ sắc, đường xá ngang dọc, xa tít ngoài tầm mắt. Sau khi thấy những điềm lành này, tôi bèn đình chỉ, tuy là chưa hết thời hạn bảy ngày.
Những điềm lành thuật lại trên đây, vốn là vì chúng sinh chứ không phải vì chính mình. Tôi thấy được điềm lành, không dám dấu diếm, xin cung kính ghi lại phía sau quyển Sớ, để cho đời sau được nghe biết. Nguyện chư chúng sinh nghe xong, sinh khởi lòng tin, những người thấy biết đều sinh Tịnh Độ, đồng thành Phật Đạo. Nghĩa lý này đã được thỉnh cầu sự chứng minh xong, mỗi câu mỗi chữ, không thêm không bớt. Vị nào muốn sao chép, phải nên y theo phương pháp sao chép kinh điển!”
Quán Kinh Sớ của ngài Thiện Đạo là chỉ nam cho sự vãng sinh Tây Phương, là mắt là chân cho hành giả, bởi vậy, hành giả tu hạnh vãng sinh Tây Phương, phải nên trân kính!
Trong đây mỗi đêm mộng thấy một vị tăng đến chỉ dạy phần Huyền Nghĩa, vị tăng đó có thể là Đức Phật A Di Đà. Nếu vậy, quyển Sớ này có thể gọi là “A Di Đà Truyền Sớ ”, vả lại, đời Đường tương truyền rằng ngài Thiện Đạo là hóa thân của Đức A Di Đà, nếu vậy, quyển Sớ này lại có thể gọi là “A Di Đà Trực Thuyết Sớ ”. Ở trên nói: “Muốn sao chép, phải nên y theo phương pháp sao chép kinh điển”, đây là lời thành thực.
Ngước tìm bổn địa, Ngài là Pháp Vương của Bốn mươi tám nguyện, nói mười kiếp thành Phật, quyết định nương tựa câu Niệm Phật.
Cúi hỏi thùy tích, Ngài là Đạo Sư của Chuyên tu Niệm Phật, giảng tám muôn chánh thọ, không chút nghi ngờ sự Vãng sinh.
Bần đạo (Pháp Nhiên) đã đọc kỹ quyển Sớ này, tuy chỉ hiểu sơ sài vài ý chính, liền vội xả bỏ các tạp hạnh khác, quy tâm Niệm Phật. Từ đó đến nay, hoặc tự mình tu tập, hoặc dạy bảo người khác, cũng chỉ là một hạnh Niệm Phật. Như vậy đối với người đến hỏi đạo, chỉ bày cho họ tu hạnh vãng sinh, còn như đối với người khế cơ, dạy bảo cho họ công hạnh Niệm Phật. Phần đông đều tin theo, nhưng vẫn có một số ít không tin.
Nên biết:
Giáo lý Tịnh Độ, thích ứng thời cơ mà phát triển,
Công hạnh Niệm Phật, tùy theo thời tiết mà đổi thay.
Bần đạo tuy không cầu sự cung kính, nhưng cũng không có cách nào từ chối sự yêu cầu của đại chúng, bèn gom góp, chỉnh lý những lời dạy quan yếu thành tập sách này, thuật lại một cách dư thừa những yếu nghĩa Niệm Phật. Vả lại, bần đạo do vì chỉ chiếu cố đến lời chỉ thị của hai Đức Như Lai, mà quên đi kiến thức hủ lậu của mình, đây cũng là một điều rất ư là “không tự biết hổ thẹn”, hy vọng các bậc cao nhân sau khi xem xong, đem chôn kín vào góc tường, đừng để rơi rớt trước sân, e rằng có những kẻ phá pháp, nhân đây sẽ đọa vào ác đạo ./.
Chú thích:
Bổn tích: tức là bổn địa và thùy tích. Bồ tát từ sơ địa trở lên và chư Phật đều có chân thân và hóa thân, chân thân gọi là bổn địa, còn hóa thân gọi là thùy tích (ứng hiện để hóa độ chúng sinh).
Bổn môn, tích môn (còn gọi là bổn địa môn và thùy tích môn): các nhà chú giải kinh Pháp Hoa đều chia kinh này ra làm hai môn là bổn và tích. Tích môn là chỉ cho việc Đức Thích Ca từ sau khi thành đạo cho đến hội Pháp Hoa, những điều thuyết giảng về Tam thừa giáo trong hơn bốn mươi năm chỉ là phương tiện (tích), chỉ có Nhất thừa giáo mới là chân thực (bổn). Bổn môn là nói về việc Đức Thích Ca sinh tại Vương cung thành Phật chẳng phải là chân thực, mà Ngài thực sự đã thành Phật rất lâu xa về trước (bổn), nay vì để tế độ chúng sinh cho nên mới thị hiện ứng thân mà thôi (tích).
wep:www.bodetam.org.com